Hiện nay, có rất nhiều loại gương ôtô chống điểm mù đang được bày bán trên thị trường. Tuy nhiên, hầu hết các loại gương kể trên đều có xu hướng sử dụng thiết kế cực lồi khiến hình ảnh của vật thể bị biến dạng và méo mó.
Với thiết kế dựa trên đèn sàn nhảy, gương của giáo sư Andrew Hicks đến từ Mỹ có khả năng loại bỏ điểm mù mà không gây biến dạng hình ảnh vật thể.
Được ra đời để giúp các tài xế tránh tai nạn, gương chống điểm mù nhất thiết phải phản ánh trung thực tình trạng giao thông xung quanh. Đó là động cơ thúc đẩy ông Andrew Hicks, một giáo sư toán tại trường đại học Drexel tại Philadelphia, Mỹ, trình làng một loại gương ôtô mới. Điểm nhấn của loại gương do ông Hicks thiết kế chính là khả năng loại bỏ điểm mù mà không gây biến dạng hình ảnh vật thể.
"Hãy tưởng tượng đến đèn sàn nhảy với rất nhiều mảnh gương nhỏ được ghép theo các góc khác nhau. Gương của tôi cũng thế", ông Hicks giải thích. "Tôi đã tính toán để điều chỉnh hướng phản chiếu của mỗi mặt phẳng. Qua đó, các tia sáng chiếu vào gương sẽ cho người lái thấy hình ảnh rộng và không bị bóp méo về quang cảnh phía sau".
So sánh giữa gương của giáo sư Hicks và sản phẩm thông thường.
Theo ông Hicks, gương mang đến tầm quan sát gần 45 độ cho người lái. Con số tương ứng đối với loại gương phẳng thông thường chỉ dừng ở mức 15-17 độ.
Tiếc thay, theo quy định tại Mỹ, xe phải được trang bị gương phẳng bên phía người lái khi xuất xưởng từ nhà máy. Gương lồi chỉ có thể được sử dụng bên ghế hành khách và in thêm dòng chữ "vật thể trong gương gần hơn bạn tưởng".
Tuy nhiên, ông Hicks vẫn hi vọng sẽ đưa mẫu gương mới của mình lên dây chuyền sản xuất và phân phối như một phụ kiện "ngoài luồng" trên thị trường. Được biết, loại gương mới đã thu hút sự chú ý của một số nhà đầu tư. Dù đã phát triển loại gương mới cách đây vài năm nhưng mãi tháng trước, ông Hicks mới được cấp bằng sáng chế tại Mỹ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét